Mấy hôm nay những vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc vào ban đêm sáng rực đèn. Đây là thời điểm nông dân địa phương tiến thành mắc bóng,đènkíchthanhlongratráibándịpTếlich bong da đánh đèn kích thích loại đặc sản này ra trái bán trong dịp Tết giá cao.
Anh Trần Văn Đông, 27 tuổi, ở thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc) đang kiểm tra lại giàn đèn led vừa mắc hai hôm trước để chuẩn bị đánh điện. Vườn thanh long rộng của gia đình anh với hơn 1.000 trụ đã được dọn cỏ sạch đẹp. Các bóng đèn được giăng mắc đều giữa hai hàng trụ. "Mình đặt giữa để ánh sáng tỏa ra, các nhánh thanh long sẽ cho ra trái", anh Đông cho biết.
Cứ khoảng 21h, anh Đông sẽ kéo cầu giao cho đèn sáng suốt đêm. Việc này được chủ vườn thực hiện trong 20-22 ngày rồi dừng. Khoảng một tuần sau, dây thanh long sẽ nảy nụ nhỏ trên nách gai. Nụ nở thành hoa màu trắng, rồi đóng trái màu xanh. Sau hơn 3 tháng thanh long chín đỏ, nông dân sẽ thu hoạch.
Cách đó khoảng 10 km, vườn thanh long của bà Võ Thị Hải ở thôn Lò To, xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) có hơn 550 trụ thanh long trên diện tích 5.000 m2. Tuần rồi bà cùng con gái dọn vườn, giật những tàu thanh long sâu bệnh và èo uột bỏ đi, giữ lại những cành khỏe. Chủ vườn cho giăng hơn 1.000 bóng đèn led loại 8W dọc các hàng thanh long.
Bà Hai cho hay, năm nào cũng vậy, cứ trước Tết 3 tháng rưỡi, gia đình đều đánh đèn để kích thanh long ra trái bán trong dịp cận Tết (khoảng 15 tháng Chạp). "Hàng thanh long dịp Tết thường bán được giá hơn nên chúng tôi chong đèn nghịch vụ hy vọng thêm thu nhập", bà Hai nói, cho biết giá thanh long mùa Tết thường 15.000-20.000 đồng một kg, lúc khan hàng giá lên tới 24.000-25.000 đồng một kg, song có năm sản lượng nhiều giá tụt dưới 10.000 đồng một kg.
Theo nhiều nhà vườn tại Bình Thuận, giá thanh long trong mùa nghịch vụ từ 14.000 đồng một kg trở lên nhà vườn mới có thu nhập khá, bởi chi phí tiền điện, tiền phân thuốc, tiền công thuê mướn người làm bỏ ra nhiều. Vườn nào có đông người trong nhà tự làm các khâu từ bón phân, giật cành đến bôi thuốc vuốt tai làm đẹp trái... thu nhập sẽ cao hơn.
Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho biết toàn tỉnh trồng khoảng 27.000 ha thanh long, cho sản lượng trên 500.000 tấn mỗi năm. Canh tác theo tự nhiên, thanh long chỉ cho ra trái vào mùa mưa. Muốn cho ra trái nghịch vụ, các chủ vườn phải chong đèn điện trong vườn.
Một vườn thanh long có thể đánh đèn nghịch vụ 2-3 lứa mỗi năm. Việc kích trái vụ không thể nhiều hơn, bởi nếu ép ra trái liên tục, dây thanh long bị kiệt sức, chóng tàn. Sau mỗi lứa, chủ vườn phải bón thêm phân, bổ sung dinh dưỡng cho cây hồi phục.
Kỹ thuật đánh đèn kích thanh long ra trái nghịch vụ được nông dân Bình Thuận áp dụng từ khoảng thập niên 1990. Lúc này một nông dân huyện Hàm Thuận Bắc tình cờ mắc bóng đèn sưởi ấm đàn vịt trong vườn, bất ngờ phát hiện các trụ thanh long kề đó cho ra hoa. Từ đó người trồng ở địa phương bắt đầu áp dụng kỹ thuật chong đèn vào trong sản xuất nghịch vụ, cho trái quanh năm.
Sau đèn dây tóc truyền thống, nông dân chuyển qua đèn compact và hiện là đèn led tiêu thụ điện năng tiết kiệm hơn.
Việt Quốc